Breaking News
Loading...
Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bị phạt 360 triệu đồng vì gây ô nhiễm

19:27


Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký quyết định xử phạt đối với nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ, trực thuộc Công ty phát triển số 1, đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Văn Chấn số tiền là 360 triệu đồng về các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.




Vào ngày 29/9/2014, Tổng cục Môi trường đã lập đoàn kiểm tra do ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường làm trưởng đoàn. Tại hiện trường của nhà máy tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi vi phạm hành chính. Theo đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhà máy quặng sắt Làng Mỵ đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải từ 2 – 5 lần trong trường hợp thải. Lượng nước thải từ 800 m3/ngày (24 giờ) – dưới 1000 m3/ngày (24 giờ).




Việc xả nước thải trái phép này là vi phạm với các nghị định của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải của công ty trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày 1/4/2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Công ty phải rà soát, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải khi thải ra môi trường.




Từ những vi phạm đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến đã ký quyết định số 191/QĐ-XPVPHC để xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Phát triển số 1 – TNHH Một thành viên – Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ về việc vi phạm trên.




Qua điều tra, cho thấy suốt một thời gian dài, nạn khai thác khoáng sản ở Yên Bái nhưng hậu quả lại để cho người dân Phú Thọ phải gánh chịu bởi nạn ô nhiễm.




Ông Lê Văn Lựu, ở khu 5, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Nguồn nước bị ô nhiễm đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và cả sản xuất nông nghiệp. Trước đây với 3 sào lúa gia đình ông thu hoạch được khoảng 4 tạ lúa thì năm nay chỉ khoảng 2 tạ. Theo ông Lựu, nguồn nước ở Ngòi Lao chứa nhiều bùn, tạp chất xen lẫn những vết màu đen dầu mỡ của máy móc khiến năng suất lúa giảm sút. Thực tế cho thấy sự phát triển của cây lúa hai vụ gần đây cũng chậm hơn, năng suất giảm từ 30-40%.




Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã kiểm tra thực tế nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước Ngòi Lao, qua đó xác định nguyên nhân là do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thuộc địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, gây ra. Ông Nguyễn Đình Cúc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nước Ngòi Lao, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Yên Bái thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường và chất lượng nước ở lưu vực sông, suối liên vùng, liên tỉnh. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không chấm dứt và có dấu hiệu gia tăng.




Trao đổi về vấn đề chịu hậu quả này, ông Bùi Tiến Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết: Tháng 10/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đã thống nhất các giải pháp khắc phục, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Huyện Yên Lập mong muốn ô nhiễm tại Ngòi Lao phải được xử lý dứt điểm, đồng thời đơn vị khai thác phải nạo vét, thau rửa trả lại nguyên trạng Ngòi Lao.




Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Lung -  ông Trần Kim Sơn cho biết: Ngòi Lao đang cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho 3 huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, hiện nay mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế, nguồn nước ở Ngòi Lao có nồng độ oxi hòa tan thấp. Theo thông số chất hữu cơ COD là 36,4mg/l vượt 2,4 lần; BOD5 là 12mg/l vượt 2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng là 55mg/l vượt 1,8 lần; hàm lượng amoni là 0,206mg/l vượt 1,03 lần. Trong lần kiểm tra gần đây nhất cho thấy các thông số này đã tăng lên với thông số BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần; COD vượt từ 1,6 đến 3,2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt 2,27 đến 2,4 lần so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Riêng thông số độ màu (Pt-Co) vượt 1,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.




Đánh giá về mức độ “tàn phá môi trường” và mức phạt, nhiều người dân nhận xét, đó là mức phạt vẫn còn nhẹ so với những tổn hại mà phía doanh nghiệp gây ra. Đã đến lúc cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với doanh nghiệp này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer